Lâm Đồng: Xuất hiện trò “chữa bệnh” bằng… nước lạnh!
Dù là nam hay nữ, già hay trẻ, “mẹ Tư" cũng đều bảo vén áo lên để bà thọc (cù) lét, mát-xa, đạp 3 cái vào lưng, rồi “truyền năng lượng”, cuối cùng cho uống một chai nước suối (nước đóng chai) đã được “làm phép”...
Từ lời đồn nhiều ngày qua của một số người dân ở huyện Đức Trọng, Đạ Huoai, Đơn Dương, thị trấn Nam Ban (Lâm Hà), vùng Cầu Đất (Đà Lạt) rằng: “mẹ Tư” là đức Phật hiển linh, có thể chữa được bách bệnh, từ đau bụng, hở van tim, đến bệnh điên khùng, bệnh tiểu đường…, dịp cuối tuần qua, chúng tôi tìm về số nhà 11/9 đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, để tận mắt được “mẹ Tư” khám cho.
Không khó để tìm tới nhà “mẹ Tư” bởi sự nổi tiếng của “mẹ” và nhờ sự chỉ đường của những người bán hàng gần đó. Ra đón chúng tôi là “mẹ Tư”, một bà lão có nước da trắng, mái tóc cũng đã bạc trắng, nhưng đi lại hãy còn nhanh nhẹn. Mới hơn 10 giờ sáng nhưng bà bảo: “Ngày mai các anh đến “mẹ” khám bệnh cho, bây giờ mất điện rồi”. Bà Tư lý giải vì lúc chữa cho người bệnh, “mẹ” rất nóng nên phải bật 4 cái quạt điện. “ 70 người vừa phải ra về đấy vì mẹ mệt lắm, nóng lắm!”.
Chúng tôi đành ra về, nhân tiện ghé hàng nước gần nhà bà Tư để nghe kể về tiểu sử của “mẹ”. Theo những người hàng xóm, “mẹ Tư” – bà con gọi là bà Tư Lắc, vì bà hay lắc lắc cái đầu - trước đây hành nghề giác hơi, xoa bóp, kiêm bán hàng quán nhậu. Bà con rất kinh ngạc khi gần đây thấy nhiều người từ khắp nơi về hỏi thăm “mẹ Tư” chữa bách bệnh. Càng ngày người khám bệnh đến càng đông, người ở xa thì thậm chí thuê nhà trọ ở lại vài tháng để chữa cho khỏi bệnh. Không khí “sôi động” chờ khám bệnh, lấy số thứ tự từ 2 giờ sáng đến 12 giờ trưa hàng ngày.
Ngày hôm sau, chúng tôi trở lại. Thấy chúng tôi, tay vừa đấm bóp cho bệnh nhân bà Tư nói: “Vào trong nhà và ghi số thứ tự đi, sắp hết giờ không nhận thêm bệnh rồi!”. Bên trong, hàng chục người đang ngồi trong căn phòng nhỏ chỉ chừng 10m2 để chờ đến lượt khám bệnh. Còn hơn 80 người nữa mới đến lượt, chúng tôi kiên nhẫn ngồi đợi, nghe những bệnh nhân bàn tán, ca ngợi về “mẹ”, như bà H. ngụ tại Đạ Hoai cho biết, bà bị bệnh viêm xoang, đi bệnh viên điều trị nhiều mà không hết, nghe tin “mẹ” chữa bệnh giỏi nên không quản đường xa tìm đến.
“Mẹ Tư” không cần hỏi người đến khám bị bệnh gì mà tuần tự gọi từng người đến ngồi gần để trị bệnh. Với tất cả bệnh nhân, bà đều áp dụng một quy trình giống nhau, đó là ngồi đối diện, gác hai chân lên đùi “mẹ”, xoa bóp, truyền “năng lượng” toàn thân, đầu, ngực, đùi, đỉnh điểm là “mẹ” đạp 3 cái vào lưng. Cuối cùng, bà mở chai nước suối do người bệnh tự mua mang tới, lầm rầm đọc “thần chú”, thổi hơi vào chai nước. “Mẹ Tư” nói: “Cầm chai nước về uống thì hết bệnh”!.
Chữa bệnh trái phép, mê tín dị đoan
Dù là nam hay nữ, già hay trẻ, “mẹ Tư” cũng đều xoa bóp toàn thân, dùng dao lam (lưỡi lam) rạch vào vai, rồi đạp 3 cái vào lưng. Xong hết quy trình xoa và đạp, bà Tư hỏi “Có khỏe hơn không?”, rồi bảo người bệnh mang chai nước suối đã được “làm phép” về để “uống vào trị được bách bệnh”?. Phương pháp chữa bệnh kỳ lạ như vậy được bà Tư dùng để “chữa” từ bệnh đau bụng, tiểu đường, đến xơ gan, trẻ biếng ăn mà “bệnh viện không chữa được khi “mẹ” trị bệnh thì khỏi ngay!”. Thấy chúng tôi tỏ vẻ nghi ngờ, bà Tư nói: “Chỉ cần các cháu có lòng tin thì sẽ hết bệnh. Bệnh nào “mẹ” cũng chữa khỏi hết”!.
“Mẹ Tư” nói chữa bệnh cứu người, không lấy tiền nhưng thực tế ai chữa xong cũng để vào hòm “công đức” từ 20 - 50 nghìn đồng, đồng thời bỏ vào túi áo của bà 20 nghìn đồng. Số tiền này nếu nhân lên hàng chục người đến khám mỗi ngày nơi đây thì cũng không hề nhỏ!
Sau khi chứng kiến tận mắt "màn chữa bệnh" không giống ai của "mẹ Tư", chúng tôi tìm gặp chính quyền địa phương để hỏi thêm về sự việc thì được ông Lê Công Tuấn – Chủ tịch UBND thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng - cho biết: “Địa phương chưa cấp giấy phép hoạt động cho bà Tư. Đây là hoạt động khám chữa bệnh trái phép, mê tín dị đoan, chúng tôi sẽ tổ chức công an, y tế đến kiểm tra và đình chỉ hoạt động”. Trước đó, cơ quan chức năng cũng phát hiện bà Tư khám chữa bệnh trái phép bằng phương pháp xoa bóp, cho người bệnh uống nước suối… và có dấu hiệu lừa bịp nên đã ra quyết định đình chỉ hoạt động. Sau đó, bà Tư rời khỏi địa phương khoảng 1 tháng, nhưng rồi gần 2 năm nay, “mẹ” Tư lại tiếp tục tái diễn hoạt động "khám chữa bệnh" của mình.
Theo bà Đinh Thị Phúc – Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đức Trọng, bà Tư đã ngoài 80 tuổi, không đăng ký tạm trú tại địa phương, nơi bà đang hành nghề là nhà của con gái nên rất khó quản lý, xử lý. Dù cấm thì cấm nhưng bệnh nhân vẫn cứ kéo đến tìm nhà “mẹ Tư”. Vậy nên, dù nhà “mẹ” có nằm ở nơi hẻo lánh thì bà Tư Lắc vẫn có bệnh nhân tìm đến để được “chữa bệnh”.
Đã đến lúc các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng cần vào cuộc, xem xét và có hướng xử lý kịp thời tình trạng đã kéo dài trong thời gian dài này để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra từ việc “khám chữa bệnh” trái phép và mê tín dị đoan này./.
Đã đến lúc các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng cần vào cuộc, xem xét và có hướng xử lý kịp thời tình trạng đã kéo dài trong thời gian dài này để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra từ việc “khám chữa bệnh” trái phép và mê tín dị đoan này./.
Đặng Tuấn
Theo TTXVN
Nhận xét
Đăng nhận xét