Đối mặt với vi khuẩn “ăn thịt người” như thế nào?


Tuy gây bệnh cảnh nặng nề, số ca được cứu sống rất ít do phát hiện muộn, bệnh nhân bị sốc, suy đa phủ tạng, nhưng đây cũng là một bệnh lý rất hiếm gặp. Vì thế, người dân không nên quá hoang mang và có thể phòng ngừa nguy cơ nhiễm vi khuẩn này.

Hiếm gây bệnh trên người
Trong hai năm 2010 - 2011, tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương chỉ ghi nhận 10 ca nhiễm vi khuẩn “ăn thịt” Aeromonas hydrophila. Cả 10 bệnh nhân đều là nam giới ở các độ tuổi khác nhau.
 
Đối mặt với vi khuẩn “ăn thịt người” như thế nào?
Dấu vết tổn thương hoại tử vùng da chân của một bệnh nhân (sau khi đã được ghép da) vì nhiễm trùng huyết do vi khuẩnAeromonas Hydrophila. Ảnh: BS Nguyễn Trung Cấp.
Cũng giống như amip “ăn não”, vi khuẩn này khá phổ biến ở trong nước bẩn, gây bệnh chủ yếu cho cá, tôm và các loài ếch nhái và rất hiếm gây trên người.
Theo BS Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Cấp cứu, BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, khi gây bệnh trên người, vi khuẩn Aeromonas hydrophila có thể gây một trong 3 thể bệnh, đó là tiêu chảy, nhiễm trùng huyết và viêm mô mềm hoại tử.
Khi uống nước có nhiễm bẩn do Aeromonas Hydrophila, bệnh nhân có thể bị tiêu chảy, giống như bệnh tả  nhưng nhẹ. Vi khuẩn này cũng gây nên tình trạng nhiễm trùng đường mật, nhiễm trùng huyết ở bệnh nhân xơ gan. Thể thứ 3 của bệnh này là người bệnh bị viêm mô mềm hoại tử, có thể  dẫn đến nhiễm trùng huyết ở người khỏe mạnh, có vết thương, xây xát và tiếp xúc với nước bẩn, bùn có vi khuẩn Aeromonas Hydrophila. Cũng bởi vi khuẩn này gây ra tình trạng viêm nhiễm và hoại tử các tổ chức nhanh chóng nên được đặt “biệt danh” là  “Vi khuẩn ăn thịt người”.
Trên thế giới, hàng năm rải rác vẫn có những trường hợp viêm mô mềm và  nhiễm trùng huyết do Aeromonas Hydrophila.  
Trong 10 trường hợp được ghi nhận năm 2010 - 2011 thì đến 7 ca không xác định được yếu tố phơi nhiễm. 3 ca còn lại thì có tiếp xúc với nước bẩn và ăn hàu sống. Trong số này có 7 bệnh nhân có xơ gan, nhập viện với các biểu hiện sốt, vàng da, vàng mắt tăng dần và 3 bệnh nhân còn lại là những người khỏe mạnh, chỉ có khởi đầu là sốt, tiêu chảy rồi nhanh chóng đi vào tình trạng hoại tử lan rộng trên da và các tổ chức, sốc và suy đa phủ tạng.
Điều trị hiệu quả khi phát hiện sớm
Theo BS Cấp, tại Việt Nam, môi trường nước ô nhiễm là mối nguy gây bệnh đối với những người lao động, tiếp xúc với nước bẩn mà thiếu trang bị phòng hộ như: người đánh cá, nuôi cá, tôm,  những người làm ở bè tre nứa, nông đân canh tác ở đồng nước, công nhân vệ sinh cống rãnh… Nhất là khi người lao động có các vết thương đứt tay, đứt chân mà vẫn làm việc dưới môi trường nước bẩn sẽ tăng nguy cơ. Thực tế, có nhiều ca bị bệnh do bị đứt chân tay khi làm việc dưới nước, cá biệt có trường hợp bắt cá, bị cá giãy làm xiên ngạnh cá vào tay gây nhiễm trùng huyết và hoại tử tay. Một số bệnh nhân có những xây sát rất nhỏ trên da nên khi tiếp xúc nước bẩn không để ý bị nhiễm từ bao giờ và trong hoàn cảnh nào.
“Trong 10 ca bệnh ghi nhận tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương trong 2 năm có 3 trường hợp đã được xác định yếu tố nguy cơ là do tiếp xúc với nước bẩn và ăn hàu sống (1 bệnh nhân lội cống nước thải, 1 bệnh nhân có làm việc ở khu vực nước ngâm bè tre nứa, 01 bệnh nhân bị ngạnh cá làm rách da và có ăn hàu sống), các bệnh nhân này đều có viêm mô mềm, hoại tử da ở chân, tay, sưng nề vùng vết thương xây sát. 1 bệnh nhân trong số đó còn bị nhiều vết phỏng nước, hoại tử lan rộng lên cả vùng ngực, bụng”, BS Cấp dẫn chứng.
Năm 2002 tại BV Collie (Tây nam nước Úc) có 26 thanh niên bị nhiễm trùng huyết do Aeromonas hydrophila sau khi chơi một trận đấu bóng bùn.
Vì thế, việc phòng bệnh quan trọng nhất là nên hạn chế tiếp xúc với nguồn nước bẩn, nhất là khi trên cơ thể có vết thương. Những người phải làm việc thường xuyên trong môi trường nước bẩn, tốt nhất nên có trang bị phòng hộ phù hợp. Nếu có dấu hiệu sưng nề, hoại tử ở vùng có vết thương sau khi tiếp xúc nước bẩn cần đến ngay cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.
Cũng theo BS Cấp, vi khuẩn Aeromonas hydrophila khá nhạy cảm với nhiều loại kháng sinh. Tuy nhiên do bệnh diễn biến rất nhanh, bệnh nhân bị hoại tử nhiều, dễ bị sốc nặng và suy đa phủ tạng nên trước đây, tỷ lệ tử vong ở những bệnh nhân nhiễm trùng huyết do Aeromonas hydrophila có thể tới gần 100%. Ngày nay nhờ những tiến bộ về hồi sức bệnh nhân, các thầy thuốc có thể hạn chế được phần nào tỷ lệ tử vong trên những bệnh nhân này, tuy vậy việc điều trị như vậy đòi hỏi nhiều trang thiết bị, kỹ thuật hiện đại, chi phí cao vã bệnh nhân dù có bị khỏi vẫn có thể có nhiều di chứng do hoại tử mất các tổ chức.
Thêm một khó khăn nữa, vì là bệnh hiếm gặp nên nhiều bác sỹ tuyến cơ sở chưa được chứng kiến bệnh nhân, chưa khi tiếp xúc bệnh nhân lần đầu khó chẩn đoán được nên việc phát hiện sớm là rất khó khăn. Vì thế, tốt nhất sau khi có tiếp xúc với nước bẩn mà có dấu hiệu sưng nề, hoại tử ở vùng có vết thương sau khi tiếp xúc nước bẩn cần đến ngay cơ sở y tế để được xử trí kịp thời, vừa giúp phòng nguy cơ nhiễm trùng vết thương, vừa có thể kịp thời phát hiện sớm bệnh lý hiếm gặp này nếu có để được điều trị kịp thời, giảm nguy cơ tai biến, nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến