Cúm A/H1N1 đang diễn tiến nguy hiểm
(Dân trí) - Chưa đầy một tuần lễ, trên địa bàn thành phố đã liên tiếp xảy ra ba trường hợp tử vong do cúm A/H1N1. Không loại trừ nguy cơ chủng vi rút cúm này đã có những biến đổi, ngành y tế cảnh báo người dân nên tự bảo vệ sức khỏe của bản thân.
Cùng với hai trường hợp tử vong do mắc cúm A/H1N1 tại Chợ Rẫy là cụ ông 61 tuổi và một sản phụ, chiều ngày 7/5 bệnh viện Nhân Dân Gia Định xác nhận thêm một trường hợp khác tử vong tại bệnh viện này vào ngày 3/6 do nhiễm vi rút cúm nói trên.
Cúm A/H1N1 đang diễn biến phức tạp (Ảnh minh họa)
Thông tin từ BS Nguyễn Ánh Tuyết, Phó giám đốc bệnh viện cho biết,nam bệnh nhân đã tử vong là N.X.T. (49 tuổi, ngụ tại quận 3, TPHCM). Ngày 25/4 bệnh nhân nhập viện với các triệu chứng sốt cao, ho có đàm kèm tiêu chảy, bệnh nhân có tiền sử suy thận, xơ gan. Các bác sĩ đã cố gắng cứu chữa nhưng tình trạng bệnh diễn tiến ngày một nặng thêm, bệnh nhân suy hô hấp nặng nên không qua khỏi. Kết quả xét nghiệm ghi nhận bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1.
Cùng với trường hợp đã tử vong nói trên, tại bệnh viện Nhân Dân Gia định hiện đang điều trị cho 3 trường hợp khác nghi ngờ bị nhiễm cúm A/H1N1. Theo BS Tuyết, tình trạng sức khỏe của cả 3 bệnh nhân này đang có diễn tiến tương đối khả quan. Một thông tin khác tại bệnh viện Chợ Rẫy cho biết tại bệnh viện đang điều trị cho một bệnh nhân khác đã có kết quả dương tính với cúm A/H1N1. Trong khi đó, khảo sát của Viện Pasteur, TPHCM cho thấy, cứ 100 người đến khám bệnh thì có 2 người bị nhiễm cúm A/H1N1.
Tính từ đầu năm đến nay, tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố đã có tới 4 ca tử vong do nhiễm cúm A/H1N1. Trong đó có 3 ca tử vong dồn dập xảy ra từ ngày 2/6 đến ngày 5/6. Tại buổi Hội thảo về phòng chống cúm do Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe tổ chức, ThS Lê Văn Tuân, đại diện tổ chức Y tế thế giới tại TPHCM nhận định, những ca bệnh cúm H1N1 liên tiếp tử vong, không loại trừ khả năng chủng vi rút cúm này đã có những biến đổi. Cúm H1N1 không xuất hiện theo mùa mà đang gieo rắc mầm bệnh ở mọi thời điểm trong năm.
Đối tượng vi rút cúm thường nhắm tới là người già, trẻ em, phụ nữ có thai, do đó việc phòng chống cúm cho nhóm đối tượng nguy cơ cần đặt lên hàng đầu. Hiện đã có vắc xin phòng cúm A/H1N1 và cúm mùa nói chung, những người đã được chích vắc xin ngừa cúm trong trường hợp bị các loại cúm khác tấn công thì khả năng cứu chữa được sẽ cao hơn nhiều so với người chưa được chích ngừa.
BS Nguyễn Đắc Thọ, Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng cho biết, mùa bệnh viêm hô hấp, bệnh cúm đã bắt đầu tăng nhanh từ cuối tháng 5 sang đầu tháng 6. Bệnh sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp cho đến tháng 10. Giám sát bệnh cúm và bệnh giống cúm là một bộ phận trong phòng chống cúm. Tuy nhiên, hệ thống dự phòng chưa được trang bị đúng mức nên rất khó cho việc giám sát, theo dõi dịch bệnh. Để phòng chống cúm có hiệu quả hơn, BS Đắc Thọ kiến nghị thành phố cần lập ban tư vấn để xây dựng hệ thống giám sát mở rộng theo thường quy kể cả xét nghiệm giám sát vi rút xác định mã ICD10 cho bệnh giống cúm và viêm phổi.
Nhưng để phòng bệnh hiệu quả trước khi các phương tiện y tế được hỗ trợ đầy đủ hơn, người dân nên tự bảo vệ sức khỏe cho mình. Bác sĩ khuyến cáo, bệnh cúm có thể phòng ngừa hiệu quả bằng các giải pháp: Phát hiện và cách ly sớm các trường hợp nghi ngờ nhiễm cúm; nghỉ học, nghỉ làm ở nhà khi bệnh; hạn chế sinh hoạt, tụ họp đông người; cá nhân cần tránh lao lực, tránh bị nhiễm lạnh, dinh dưỡng cần đầy đủ; mang khẩu trang khi tiếp xức với người bệnh hoặc khi nghi ngờ bị bệnh cúm; rửa tay thường xuyên và không nên sờ mắt, mũi, miệng.
Các đối tượng trong nhóm nguy cơ như trẻ em dưới 5 tuổi, người già trên 65 tuổi, phụ nữ đang mang thai, người mắc bệnh mãn tính cần đến các cơ sở y tế để phòng ngừa cúm bằng vắc xin. BS Lê Hoàng San, Phó viện trưởng Viện Pasteur thành phố khuyến cáo, nếu thân nhiệt nóng sốt trên 38 độ C, ho nhiều người bệnh nên đến các cơ sở y tế để khám, điều trị kịp thời.
Nhận xét
Đăng nhận xét