Những thói quen có hại cho tim
(Dân trí) - Không chăm sóc sức khỏe răng miệng, ăn mặn, hút thuốc lá....là những thói quen ảnh hưởng xấu đến sức khỏe trái tim.
Ngáy
Không chỉ là thói quen gây khó chịu, ngáy có thể là dấu hiệu của một rối loạn nghiêm trọng hơn nhiều: chứng ngừng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA). Rối loạn này, đặc trưng bởi hô hấp bị gián đoạn trong khi ngủ, có thể khiến huyết áp tăng vọt. Người bị chứng ngừng thở khi ngủ do tắc nghẽn dễ có các yếu tố nguy cơ bệnh tim hơn gấp 4 lần so với người bình thường. Người béo phì dễ bị OSA hơn, nhưng điều đó không có nghĩa là nguy cơ giảm ở người gầy. Nếu bạn hay ngáy và thường xuyên ngủ dậy với cảm giác mệt mỏi thì cần đi khám bác sĩ.
Không quan tâm đến sức khỏe răng miệng
Mặc dù còn chưa rõ lý do, song có mối liên quan mật thiết giữa bệnh nướu răng và bệnh tim, nếu bạn không chải răng, thì những mảng bảm dính chứa đầy vi khuẩn sẽ tích tụ theo thời gian, dẫn đến bệnh nha chu. Một giả thuyết là những vi khuẩn này sẽ kích hoạt phản ứng viêm trong cơ thể, và “viêm thúc đẩy mọi khía cạnh của xơ vữa động mạch”. Điều trị bệnh nha chu có thể cải thiện chức năng mạch máu.
Tách biệt với thế giới
Không có gì khó hiểu là bạn có thể gặp phải một ai đó khiến bạn khó chịu, bực bội hay đơn giản là không thể sống cùng. Tuy nhiên, bạn cần củng cố mối quan hệ với những người mà bạn thực sự thích. Những người có mối liên hệ gắn bó với gia đình, bạn bè và xã hội thường sống thọ hơn và khỏe mạnh hơn. Ai cũng cần có thời gian riêng cho mình, nhưng bạn cũng cần quan tâm tới những người khác và giữ liên hệ với họ mỗi khi có thể.
Uống nhiều rượu bia
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng một lượng rượu nhỏ hằng ngày có thể tốt cho tim. Song trên thực tế rất nhiều người lại uống quá nhiều. Lượng rượu bia thừa sẽ làm tăng nguy cơ cao huyết áp, mỡ máu cao và suy tim. Ngoài ra, lượng calo thừa có thể làm tăng cân, đe doạ sức khỏe tim mạch. Càng tránh uống rượu bia nhiều bạn càng có thể có một cuộc sống khỏe mạnh.
Ăn quá nhiều
Thừa cân là một yếu tố nguy cơ chính của bệnh tim. Hãy tập ăn ít, tránh những suất ăn quá cỡ, và thay nước ngọt bằn nước thường. Bác sĩ Sharad Kasarle cũng gợi ý giảm những phần ăn chứa nhiều carbohydrat giàu calo (như mì và bánh mì) và tìm những thực phẩm trên nhãn có ghi “ít béo”.
Hút thuốc lá hoặc sống trong môi trường có khói thuốc lá
Cho dù bạn đã nghe đến hàng nghìn lần rằng “Đừng hút thuốc”, thì nhắc lại vẫn không thừa. “Thuốc lá là một thảm họa toàn diện đối với tim,” bác sĩ Kasarle nói. Hút thuốc lá thúc đẩy huyết khối, có thể gây tắc dòng máu đến tim và góp phần hình thành những mảng bám ở động mạch. Huyết áp và cholesterol cao, tiểu đường, thừa cân và hút thuốc lá là những yếu tố nguy cơ cần được kiểm soát.
Không ăn hoa quả và rau
‘Chế độ ăn tốt nhất cho tim là chế độ ăn dựa trên rau quả,’. Điều này có nghĩa là cần tăng lượng hoa quả và rau, quả hạnh, ngũ cốc nguyên cáp, sữa ít béo và protein, và giữ thực phẩm chế biến sẵn ở mức tối thiểu. Trên thực tế, nhiều hướng dẫn mới khuyên rau quả cần chiếm một nửa trên mâm cơm. Các nhà nghiên cứu đã thấy rằng những người ăn hơn 5 phần trái cây và rau mỗi ngày có nguy cơ bệnh tim và đột quỵ thấp hơn 20% so với những người ăn dưới 3 phần mỗi ngày.
Ăn mặn
Ăn càng nhiều muối, huyết áp sẽ càng tăng. Một phần ba số người Mỹ hiện bị cao huyết áp, một yếu tốt nguy cơ chính của đột quỵ, suy thận và đau tim. “Trước khi bóc một gói thực phẩm chế biến sẵn, hãy đọc kỹ về hàm lượng muối ghi trên nhãn, và hãy tìm đến những gian hàng bên ngoài của siêu thị, nơi thường bày bán hoa quả, rau và quả hạnh không muối. Phần lớn chúng ta nên giữ khẩu phần muối ở mức dưới 2.300 mg mỗi ngày. Nếu bạn bị cao huyết áp hoặc tuổi trên 50, cần giảm lượng muối xuống còn 1.500mg.
Anh Khôi
Theo Health
Nhận xét
Đăng nhận xét