Vô tư hút thuốc lá nơi công cộng
(Dân trí) - Dù Luật phòng chống tác hại thuốc lá đã có hiệu lực, quy định cấm hút thuốc lá tại nơi công cộng như bệnh viện, trường học, tàu xe… nhưng xem ra, quy định mới chỉ ở trên giấy, còn người dân vẫn phớt lờ, hút thuốc ở bất cứ chỗ nào họ muốn.
Sáng 31/5, tại BV Bạch Mai, ngay trước cửa tòa nhà Việt Nhật, nhiều nam giới tụ tập dưới bóng mát của cây và phì phèo thuốc lá. Dù khó chịu, nhưng những người bệnh khác ngồi chờ đợi cũng không ai lên tiếng nhắc, còn những người hút thuốc thì coi việc hút thuốc là hiển nhiên, không ảnh hưởng đến ai.
“Con mình khám tổng thể, phải chờ đến chiều mới có kết quả, khu này có vườn hoa, cây cao che mát nên ngồi chờ đợi. Nhưng con ho mà mọi người xung quanh vẫn phì phèo hút thuốc, đã ôm con di chuyển ra chỗ khác, nhưng lại có người hút thuốc nên lại cắp nhau về ngồi đây cho mát”, chị Nguyễn Thị Hà (Hưng Yên) chia sẻ.
“Còn trên tàu hỏa, các toa đều đã có biển cấm hút thuốc lá, nhưng nhiều nam giới vẫn hồn nhiên ngồi hút thuốc ngay trong khoang, nhân viên tàu đi qua cũng không nói gì. Mình có con nhỏ, cũng không dám đề nghị mà phải “rình” nhân viên tàu đi qua, kéo lại rồi phản ánh. Họ cũng chỉ nhắc người hút thuốc chịu khó ra khoảng trống giữa các toa để hút”, chị Hương, một người thường xuyên đi tàu hỏa phản ánh.
Hay mới đây, tại hội nghị triển khai thực hiện luật Phòng chống tác hại thuốc lá do UB Các vấn đề xã hội tổ chức, đại biểu vẫn phản ánh: “Ngay tại nơi tiếp xúc cử tri, người hút thuốc vẫn “hun mù mịt” hội trường. Giờ nghỉ, có ĐBQH lên tiếng góp ý, người vi phạm chỉ “cười khẩy” hỏi lại: “Đại biểu thử nghĩ xem quy định như vậy có thực hiện được không?”…
Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế cũng thừa nhận: “Vi phạm nhan nhản, luật bất lực đứng nhìn”.
PGS.TS Ngô Quý Châu, Phó Giám đốc BV Bạch Mai cho biết, bệnh viện mới triển khai nhắc nhở được đến cán bộ công nhân viên chức không hút thuốc lá trong môi trường bệnh viện, còn với người bệnh và người nhà bệnh nhân đến khám thì bệnh viện cũng “bó tay”.
Theo ông Châu, một ngày có đến hàng chục nghìn lượt người ra – vào bệnh viện Bạch Mai. Làm sao có thể có lực lượng nhắc nhở họ hút thuốc, mà xử phạt thì bệnh viện cũng không có thẩm quyền, mà có thì cũng không biết lấy đâu người để đi xử phạt.
Tương tự, tại BV Nhi Trung ương, Chủ tịch công đoàn Vũ Quý Hợp cho biết, với nhân viên y tế còn có thể nhắc nhở, cảnh cáo, nhưng với người nhà bệnh nhân thì rất khó bởi mỗi ngày số người trong nhóm này luân chuyển, vào ra bệnh viện rất cao, có đến hàng trăm, thậm chí cả ngàn lượt. Ngoài ra, có “mục sở thị” người hút thuốc vi phạm quy định cấm, các nhân viên y tế cũng thường ngại góp ý, ngăn chặn, can thiệp vì tâm lý muốn tránh phản ứng thái quá của gia đình bệnh nhân trong cảnh bản thân họ cũng đang hết sức căng thẳng vì con cháu đang đau ốm, nằm viện.
Về thực trạng này, ông Quang cho biết, thẩm quyền xử phạt những hành vi vi phạm thuộc thanh tra y tế, quản lý thị trường, chính quyền các cấp… Khi phát hiện người hút thuốc lá nơi công cộng, họ sẽ lập biên bản xử phạt, người bị phạt phải mang tiền đến kho bạc Nhà nước để nộp. Dự định mức phạt với hành vi vi phạm cũng tăng lên so với trước để có tác dụng răn đe, tuy nhiên phạt ai? Ai phạt vẫn đang là vấn đề nan giải.
“Việc xử phạt người hút thuốc lá nơi công cộng còn nhiều cái khó. Họ chỉ hút 1-2 phút là xong một điếu thuốc, thậm chí chỉ châm lửa hút 1-2 hơi rồi bỏ. Thời gian diễn ra hành vi vi phạm ngắn, số lượng vi phạm lại đông, nên việc xử phạt khó có thể tiến hành đầy đủ, kịp thời”, ông Quang nhìn nhận.
Trên thực tế, đến nay mới có 3 trường hợp người nhà bệnh nhân hút thuốc trong bệnh viện bị Giám đốc một bệnh viện ở Lào Cai phạt tổng cộng hơn 1 triệu đồng. Tuy nhiên, việc xử phạt này lại… sai thẩm quyền.
Tiến sĩ Takeshi Kasai, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cho rằng thực hiện môi trường không khói thuốc là một trong những thách thức rất lớn. Điều này đòi hỏi phải có chiến dịch truyền thông hiệu quả và các nỗ lực thực thi bởi các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, giám sát và xử phạt vi phạm.
Đặc biệt, ý thức tự giác của người dân là vô cùng quan trọng. Những người không hút thuốc cần hiểu được sự tác động xấu của khói thuốc thụ động để sẵn sàng lên tiếng yêu cầu người khác không hút thuốc lá tại nơi công cộng.
Việt Nam là một trong 15 quốc gia có tỷ lệ người hút thuốc lá cao nhất thế giới, trung bình cứ 2 nam giới trưởng thành có một người hút thuốc. Có tới 47 triệu người thường xuyên phải tiếp xúc thụ động với khói tại nhà. Nghiên cứu mới đây của Viện Chiến lược và Chính sách Y tế cho thấy 11% các ca tử vong ở nam giới là do các bệnh liên quan đến thuốc lá.
Đến nay, luật Phòng chống tác hại của thuốc lá đã có hiệu lực được tròn 1 tháng nhưng vẫn chưa có văn bản nào hướng dẫn thực hiện luật được ban hành. Ông Quang cho biết, đến thời điểm này cả 4 văn bản hướng dẫn đều đã trình lên Thủ tướng và sẽ sớm ban hành trong những ngày tới (chậm nhất là đầu tháng 6). Tiến độ xây dựng văn bản hướng dẫn như này, theo đánh giá của ông Quang là rất sớm, khả quan.
Để giảm tỉ lệ hút thuốc, giảm tác động xấu của thuốc lá, Thủ tướng chỉnh phủ cũng đã phê duyệt chiến lược quốc gia phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2020 đặt mục tiêu giảm nhu cầu sử dụng và kiểm soát để từng bước giảm mức cung cấp các sản phẩm thuốc lá tiêu thụ tại thị trường Việt Nam nhằm giảm nguy cơ bệnh tật và tử vong do sử dụng thuốc lá gây ra.
Giảm tỉ lệ hút thuốc lá từ ở thanh thiếu niên từ 26% năm 2011 xuống 18% năm 2020. Nam giới từ 47,4% xuống còn 39%, nữ giới xuống 1,4% năm 2020
Các giải pháp được đặt ra, đó là hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại thuốc lá. Xây dựng các văn bản và tài liệu hướng dẫn về thực hiện môi trường không khói thuốc theo quy định của luật phòng, chống tác hại thuốc lá.
Quy định rõ về mức xử phạt đối với hành vi hút thuốc lá tại nơi có quy định cấm, phân công trách nhiệm cụ thể cho các đơn vị chức năng để thường xuyên chủ động tổ chức thanh kiểm tra và đánh giá việc triển khai thực hiện môi trường không khói thuốc.
Nhận xét
Đăng nhận xét